Login
Nhãn: ,

ĐAU NHỨC NHỐI, DI VẬT TRƯỜNG SA...

Mai Thanh Hải - Sau khi Hạ sĩ Hoàng Đặng Hùng (chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) hy sinh tại đảo chìm Đá Lớn A, quần đảo Trường Sa (ngày 25/7/2004) khi mới tròn 20 tuổi, anh em trong đơn vị chuyển về gia đình vẹn nguyên quân tư trang, đồ dùng sinh hoạt cá nhân của em, từ ngoài đảo.

Mình không lạ gì cái gọi là "gia tài lính đảo" với ít nhất là hòm gỗ, thùng tôn kèm với lỉnh kỉnh túi tắm, ba lô, thế nhưng cái buổi sáng 30/7/2012, khi bố em là Trung tá Hoàng Đăng Tuấn (Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân) xách ra cái va ly vải nhẹ tênh, trong buổi truy điệu, sau quá trình cả báo chí - gia đình gian nan "đấu tranh" với nhiều "cơ quan quản lý nhà nước" của TP. Hải Phòng, để em được nằm trong Nghĩa trang Liệt sĩ quận Ngô Quyền (sau 8 năm nằm ngoài Trường Sa), mình hơi bất ngờ.

Lại thêm bất ngờ nữa là từ hồi biết được tin con hy sinh, nhận lại đồ dùng của con, cả bố Tuấn lẫn mẹ Thúy (cùng mang cấp hàm Trung tá - QNCN, công tác tại Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân) đều giữ nguyên những thứ đồ trong đó, gọn gàng như thể chờ đợi 1 điều kỳ diệu, chờ con chân sáo ùa vào nhà, xách va ly ra đảo công tác xa như hôm nào...

Và những sự bất ngờ, đều vỡ òa thành những giọt nước mắt, khi tận mắt nhìn thấy "gia tài" của người lính đảo, ngã xuống ở tuổi 20, cách đây vừa tròn 8 năm ròng: 2 bộ quân phục xuân hè, 1 áo khoác thu đông, 1 màn tuyn, 1 đèn pin, quần đùi - áo may ô, bàn chải - thuốc đánh răng - xà phòng tắm, sổ Đoàn viên - quân trang - giấy khai sinh... Thứ quý giá nhất của em, có lẽ là những lá thư nhà, được cẩn thận bọc kín trong 2 lần giấy báo - ni long.

Và những giọt nước mắt của hết thảy những người chứng kiến, đọng lại trong nỗi đau xót đến cùng cực, khi nhìn thấy cảnh mẹ Liệt sĩ Hùng - Trung tá Nguyễn Thị Thúy, mê sảng miên man, ôm chặt những di vật của con vào ngực, lập bập gọi tên đứa con trai độc nhất, mà chị đã nuôi nấng - chăm sóc suốt 18 năm và nhận lại tin con mình ngã xuống ngoài đảo xa, sau 2 năm khi con nhập ngũ, mãi mãi trẻ trung ở tuổi 20.

Cuộc đời này có rất nhiều nỗi đau, nhưng mình chắc chắn, nỗi đau lớn nhất - xót xa nhất là của người bố, người mẹ chưa già, nhưng mất con trong tích tắc, khi đã nuôi con khôn lớn và phải cắn răng lại, chịu đựng sự xa cách nơi con nằm, gần 10 năm, mới nhận được con nhẹ bẫng trong thùng tôn, nuốt nước mắt để đôn đáo lo cúng giỗ cho con trẻ...

Đất nước bình yên ư?. Không phải! Bởi ở đâu đó ngoài đảo xa - biên giới, vẫn có những người lính ngã xuống, hàng ngày hàng tuần mà ít người sống đầy đủ - toàn vẹn trong đất liền, dưới đô thị biết được.

Đất nước hạnh phúc ư? Không phải! Bởi ở đâu đó trong mỗi con phố, miền quê, vẫn có những người bố người mẹ, người em đêm đêm khóc thầm, gọi tên người thân không bao giờ về lại...

Ngàn lần! Vạn lần!. Ghi lòng tạc dạ những gương mặt người lính ngã xuống...

Vạn lần! Triệu lần!. Biết ơn những ông bố bà mẹ đã sinh thành, nuôi nấng và cống hiến giọt máu của mình, để giữ đất nước thân thương, trong nỗi đau - xót xa không thể ai có thể hàn gắn...

Đất nước này, chế độ này và những người đang sống trên dải đất hình chữ S này mắc nợ các anh chị, những người cha mẹ, anh chị em người thân liệt sĩ nhiều lắm. Những sự nợ nần, không thể trả bằng đồng tiền chế độ, ưu đãi trợ cấp mà còn bằng cả sự sống, yếu ớt chờ đựng, trong mỗi giọt máu - con tim...

(Bài viết đã đăng ngày 31/7/2013, nay đăng lại dịp 27/7/2013)
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
"Gia tài" của Liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng, hy sinh tại đảo chìm Đá Lớn A, quần đảo Trường Sa ngày 25/7/2004
Từ cái kim sợi chỉ cho đến quân phục - ba lô
Không còn gì nữa

 
 
 
Mẹ khóc con

Tìm hơi ấm của con
 
Cạn nước mắt

Con sẽ sống mãi, trong cuộc đời bố mẹ...


Bình luận Facebook

Bình luận Blogspot

0 nhận xét:

Các tin khác

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
blog tình yêu © 2012 | Designed by Nguyễn Tâm , Facebook: https://www.facebook.com/huongtoicongnghe